Tên ngành: Kỹ thuật Điện tử
Mã ngành: 60520203
Quyết định: Số QĐ 731/QĐ-ĐHCN ngày 03/03/2016
Đơn vị chuyên môn chủ quản:
– Khoa Công nghệ Điện tử
– Văn phòng: Phòng X7.1, Lầu 7 tòa nhà X, Đại học Công nghiệp Tp.HCM
– Số điện thoại: 083.8940.390 – Nội bộ: 172
– Người phụ trách:
- Thầy Mai Thăng Long – Trưởng khoa (SĐT: 0902698315, Email: maithanglong@iuh.edu.vn)
- Thầy Nguyễn Tấn Lũy – P. Trưởng khoa (SĐT: 0903640709, Email: nguyentanluy@iuh.edu.vn)
- Cô Nguyễn Thị Hồng Hà – Phụ trách quản lý SĐH (SĐT: 0909500941, Email: nguyenthihongha@iuh.edu.vn)
– Website Khoa: http://www.fet-iuh.edu.vn/
1. Giới thiệu Khoa Công nghệ Điện tử
Khoa Công Nghệ Điện Tử, được hình thành từ những ngày đầu thành lập Trường Đại Học Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh, năm 2005. Khoa phụ trách đào tạo hệ Đại học ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông và ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ cho sinh viên tốt nghiệp, cũng như cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực điện tử cho các doanh nghiệp, Khoa đã được nhà Trường cho phép đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện tử và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016.
Đội ngũ giảng viên của Khoa đã không ngừng lớn mạnh. Đến này, Khoa có 56 giảng viên, trong đó có 1 PGS.TS, 12 Tiến sĩ, 6 NCS, 32 Thạc sĩ và 5 Kỹ sư. Hầu hết là những giảng viên có chuyên môn vững và giàu kinh nghiệm đã tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước.
Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và cũng để bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, tập thể giảng viên Khoa đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy, tiếp cận theo hướng quốc tế. Đặc biệt Khoa chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiên cứu khoa học cho giảng viên, với chính sách ưu đãi, trọng dụng và thu hút nhân tài. Hằng năm Khoa cử giảng viên đi tham quan tập huấn nước ngoài, học Nghiên cứu sinh và tuyển dụng mới nhiều giảng viên xuất sắc có trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, Khoa thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động đào tạo gắn kết với doanh nghiệp để nâng cao năng lực áp dụng thực tiễn cho sinh viên.
Nghiên cứu khoa học cũng được xem là một trong các hoạt động quan trọng hàng đầu của Khoa. Từ năm 2005 đến nay tập thể giảng viên của Khoa đã có hàng chục đề tài NCKH các cấp và trên 200 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
2. Giới thiệu ngành thạc sĩ Kỹ thuật điện tử
Ứng dụng của kỹ thuật điện tử đã đi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, từ các thiết bị thông tin, truyền hình, máy vi tính, thiết bị y tế, các thiết bị trong gia dụng cho đến các dây chuyền sản xuất tự động, hệ thống thông minh trong công – nông – lâm – ngư nghiệp. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu ứng dụng của kỹ thuật điện tử ngày càng lớn.Hiện nay có khoảng trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT – Điện tử – Viễn thông, là các công ty trong nước và các tập đoàn đa quốc gia, với tổng số vồn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ USD. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực chuyên gia có trình độ cao, cập nhật những kiến thức, công nghệ mới về lĩnh vực điện tử ngày càng gia tăng. Do vậy việc mở đào tạo thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử là điều cần thiết, đáp ứng mong muốn của người học, của doanh nghiệp và của xã hội.
2.1 Giới thiệu việc xây dựng chương trình:
Xuất phát từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng và thái độ, chương trình đào tạo ngành thạc sĩ Kỹ thuật điện tử được xây dựng. Bên cạnh đó, để mở rộng khả năng hội nhập và nâng tầm chất lượng đào tạo, Khoa đã tham khảo chương trình thạc sĩ Kỹ thuật điện tử của trường đại học Nanyang Technological University (NTU), Singapore (Trường top 100 của thế giới).
Dựa trên việc phân tích chương trình tham khảo, xu hướng phát triển của ngành Kỹ thuật điện tử trên thế giới và sứ mệnh của Trường, Khoa đã xây dựng chương trình thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện tử theo định hướng đào tạo các kiến thức chuyên sâu về thiết kế vi mạch điện tử và hệ thống nhúng, ứng dụng trong viễn thông và tự động hóa.
2.2 Mục tiêu chung:
Kết thúc khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện tử, người học có trình độ chuyên môn sâu, có phương pháp tư duy khoa học cơ bản và kỹ năng thực hành tốt, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập và sáng tạo, khả năng thích ứng cao với môi trường kinh tế – xã hội, giải quyết tốt những vấn đề khoa học và kỹ thuật của ngành Điện tử.
2.3 Mục tiêu cụ thể:
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện tử, người học có những khả năng sau:
- Áp dụng được các kiến thức kỹ thuật, các kỹ năng giải quyết vấn đề và các công cụ hiện đại trong đa lĩnh vực của ngành điện tử để phân tích, thiết kế tối ưu hóa các vi mạch điện tử ứng dụng cho các thiết bị và hệ thống điện tử.
- Tiếp cận, khai thác và chuyển giao những công nghệ mới về thiết kế vi mạch điện tử ứng dụng đa lĩnh vực trong viễn thông, tự động hóa, thiết bị y tế, …
- Tổ chức nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử ứng dụng trong đa lĩnh vực.
- Có thái độ đạo đức nhân văn về môi trường và con người.