Tên ngành: Công nghệ Thực phẩm (Food Technology)
Mã ngành: 60540101
Quyết định: Số QĐ 731/QĐ-ĐHCN ngày 03/03/2016
Đơn vị chuyên môn chủ quản:
– Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm
– Văn phòng: Lầu 4, Nhà F (F 4.09), Đại học Công nghiệp Tp.HCM
– Số điện thoại: 0283.8940.390 – Nội bộ: 666
– Người phụ trách:
- Thầy Nguyễn Bá Thanh – Viện trưởng (Email: thanhngba@iuh.edu.vn)
- Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó Viện trưởng (SĐT: 0948400172, Email: nguyenthiminhnguyet@iuh.edu.vn )
- Cô Lê Hương Thủy – Phụ trách quản lý SĐH (SĐT: 0979814088, Email: huongthuyle@gmail.com)
– Website : http://www.foodtech.edu.vn
1. Giới thiệu về Viện Công Nghệ Sinh học và Thực phẩm
Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm là một trong các khoa lớn và phát triển cùng với lịch sử hình thành và phát triển của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 2008 trên cơ sở sáp nhập Khoa Công nghệ Thực phẩm và Viện Công nghệ Sinh học. Cán bộ và sinh viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm luôn phát huy vai trò tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và xã hội. Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cung cấp các chương trình đào tạo hiện đại và thực tế nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để trở thành những kỹ sư, cử nhân có năng lực và đạo đức nghề nghiệp trong tương lai.
Với phương châm “lấy người học làm trung tâm”-“giảng viên là nhà khoa học”, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy của Viện đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Quy mô đào tạo gần 3.000 sinh viên, hàng năm Viện cung cấp cho xã hội gần 500 kỹ sư-cử nhân có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp.
2. Đội ngũ Giảng viên và hoạt động nghiên cứu khoa học
Đội ngũ giảng viên của Viện đã không ngừng lớn mạnh. Đến này, Khoa có 52 giảng viên, trong đó có 1 PGS.TS, 12 Tiến sĩ, 14 NCS, 25 Thạc sĩ. Hầu hết là những giảng viên có chuyên môn vững và giàu kinh nghiệm đã tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước.
Viện có một mạng lưới liên kết với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tại Viện nghiên cứu, công ty, các trường bạn… hỗ trợ đắc lực Viện trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tiễn.
Viện còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, góp phần hiệu quả vào việc phát triển khoa học và công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ chế biến thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch, Phân tích thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm, Đánh giá cảm quan thực phẩm, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y học …
Giảng viên, sinh viên của Viện tham gia thực hiện rất nhiều các đề tài cấp nhà nước (1), cấp bộ – cấp tỉnh (12) và cấp cơ sở (11). Đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho hơn 20 doanh nghiệp.
3. Chương trình đào tạo Thạc sỹ Công nghệ Thực phẩm
3.1. Mục tiêu chung
Chương trình thạc sĩ công nghệ thực phẩm được xây dựng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức chuyên sâu, nâng cao và trang bị kỹ năng cần thiết về Công nghệ thực phẩm, có thể làm chủ các lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến công nghệ thực phẩm: các phương pháp phân tích và công nghệ hiện đại phục vụ cho nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất ngành công nghệ thực phẩm; biết ứng dụng cơ sở lý luận và khoa học phục vụ cho cải tiến và phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; có phương pháp luận để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm; có khả năng thích ứng cao với môi trường kinh tế – xã hội, giải quyết tốt những vấn đề khoa học và kỹ thuật của ngành công nghệ thực phẩm trong môi trường nghiên cứu và sản xuất.
3.2. Mục tiêu cụ thể.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Công nghệ Thực phẩm, người học có những khả năng sau:
- Áp dụng được các kiến thức kỹ thuật, các kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tế trong thực tiễn sản xuất ngành công nghệ thực phẩm một cách độc lập, sáng tạo.
- Vận dụng được các kiến thức công nghệ mới, nghiên cứu cải tiến và phát triển các sản phẩm mới, công nghệ mới theo định hướng người tiêu dùng.
- Ứng dụng được nguyên liệu sinh học mới trong công nghệ chế biến thực phẩm
- Thực hiện được các công tác quản lý, điều hành, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực thực phẩm.
- Tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn một cách hiệu quả.
- Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
3.3. Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, các Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ thực phẩm có thể:
- Tham gia quản lý, điều hành, nghiên cứu chuyên sâu về thực phẩm tại các Cơ quan Quản lý Nhà nước, Doanh nghiệp chế biến và dịch vụ thực phẩm.
- Tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại các Trường Đại học, các Trung tâm, Viện nghiên cứu.
- Tham gia quản lý, phụ trách chuyên môn tại các cơ quan phân tích, kiểm định, quản lý chất lượng, an toàn-vệ sinh thực phẩm.